Bà Hoa nhiều năm liền nằm ngủ co ro trong 6 ô gạch khiến cột sống cong vẹo - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Câu chuyện lập tức gây được sự chú ý bởi không ai nghĩ giữa quận 1 - nơi được xem là trái tim của thành phố phồn hoa - lại có những khu dân cư tù túng.
Co ro trong căn nhà 4m2Từ lời bí thư Quận ủy quận 1, chúng tôi tìm đến khu chợ Gà - Gạo, phường Cầu Ông Lãnh. Khu vực này được bao bọc bởi những con đường sầm uất bậc nhất của TP.HCM: Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học - Yersin - hẻm số 3 Yersin với diện tích hơn 6.000m2 và 1.173 người dân sinh sống.
Cùng bà Lê Thạch - một người dân sống lâu năm nơi đây, chúng tôi đi sâu vào những con hẻm rộng chưa đến 1m, càng đi càng tối càng chật. Chốc chốc vài chiếc xe máy chạy qua, kéo theo sau đó là tiếng va đập, đổ vỡ của những sóng chén được người dân bố trí dày đặc dọc đường.
Đưa tay chỉ về những căn nhà chỉ khoảng 3 - 4m2, thậm chí chỉ 2m2, bà Thạch cho biết khu vực chợ Gạo có rất nhiều nhà siêu nhỏ. Ở không gian chỉ vừa đủ một nhà vệ sinh và chiếc cầu thang dẫn lên gác gỗ, 3 - 4 người "xếp chồng" lên nhau mà sống.
Có gia đình ông C. đến mấy chục người mà ở trong căn nhà chỉ 4m2. Đến tối, gia đình ông C. chia thành hai nhóm, phụ nữ và người già ưu tiên ngủ trong nhà, thanh niên trai tráng thì vác ghế ra đường lớn để ngủ.
Dừng chân trước nhà bà Lê Thị Hoa (68 tuổi), bà Thạch cất tiếng gọi. Mở cánh cửa xếp xập xệ, bà Hoa nhìn chúng tôi với vẻ bất ngờ bởi căn nhà 4m2 của bà hiếm khi có khách ghé thăm.
Bà Hoa kể căn nhà nhỏ này là nơi nương náu của 3 thế hệ gia đình bà. Bà Hoa ở phía dưới, con trai và 2 đứa cháu ở trên căn gác gỗ. Với 4m2, căn nhà chỉ bố trí một nhà vệ sinh, kê một chiếc bàn, chỗ ngủ còn lại không đủ để duỗi thẳng chân.
Nằm trong tư thế co ro hàng chục năm trời, bà Hoa bị vẹo cột sống. Bác sĩ khuyên bà Hoa nằm thẳng người ra, bà chỉ biết cười trừ bởi "có muốn cũng đâu có được".
Nhà nhỏ, mọi sinh hoạt của gia đình bà Hoa từ nấu nướng, ăn uống, giặt giũ… đều ở ngoài đường. Chiếc bếp gas kê tạm bợ ngoài trời, những ngày Sài Gòn mưa dầm dề, gia đình bà Hoa chỉ biết ăn cơm trắng với chao.
Ngay sát tường nhà bà Hoa là một ngã ba với không gian có phần rộng hơn. Nơi đây từ lâu đã trở thành "nhà quàn" của khu chợ Gạo vì nhà ai cũng chật hẹp, khi có người mất thì ngã ba này trở thành nơi tổ chức tang lễ.
Ở ngã ba ấy nhìn lên chẳng thấy bầu trời, chỉ thấy những ngọn đèn pha từ tòa cao ốc Bitexco lâu lâu rọi đến.
Con hẻm trong khu chợ Gà - chợ Gạo chật hẹp vừa là lối đi, chỗ để xe và cả nơi giặt giữ, nấu nướng của người dân - Ảnh: PHƯƠNG NHI Giấc mơ từ "khu Gà - Gạo"
Hướng mắt về ngọn đèn đó, chúng tôi hỏi hai bà Thạch, Hoa: "Hai bà có nghĩ một ngày khu vực này được cải tạo, mọi người sẽ được sống trong căn nhà rộng hơn không?". Ánh mắt chớm lên tia hy vọng, bà Thạch cho biết đây là ước mơ lớn nhất của bà và con gái.
Bà kể con gái đi xin việc không dám nói ở "khu Gà - Gạo". Cô ngày nào cũng nói với mẹ "đợi khu này giải tỏa, có tiền đền bù mình lên chung cư ở đi mẹ, ở đây mệt quá". Người trẻ thì vậy, còn với bà Hoa, ở tuổi xế chiều, đến mơ bà cũng không dám nghĩ về nhà cao cửa rộng, chỉ mong sống hết đời người.
Và niềm mơ ước ấy có thể được chắp cánh, khi hôm qua (27-6), quận 1 đã tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp mời gọi quan tâm dự án chợ Gà - Gạo. Đây là lần thứ ba quận 1 kêu gọi đầu tư dự án này nhưng "nhiều nhà đầu tư đến rồi đi".
Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo quận 1 trình bày bản phối cảnh dự án là một công trình cao tầng đồ sộ, khang trang để mời gọi đầu tư. Nhưng với quy định mật độ xây dựng tối đa 50%, chiều cao công trình tối đa 50m, nhà đầu tư không thấy có lợi nhuận thì bản phối cảnh như một viễn cảnh xa vời lắm.
Một chủ doanh nghiệp tính toán dự án mật độ xây dựng tối đa 50% và chiều cao khống chế 50m thì chỉ xây được khoảng 600 căn hộ với diện tích mỗi căn 50m2. Nếu người dân ở đây muốn tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư mất 300 căn để trả lại cho dân, chỉ còn 300 căn để kinh doanh thì quá ít, khó đảm bảo lợi nhuận.
Ông đề xuất tính tổng các chi phí để hoàn thiện dự án, bao gồm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, tổng chi phí bồi thường mặt bằng, đầu tư, tiền sử dụng đất... Từ cơ sở này sẽ điều chỉnh các hệ số cho phù hợp.
Ông Lê Thành Nam, đại diện Tập đoàn Bitexco, đề xuất tính toán nâng chiều cao tối đa dự án lên 80m, đảm bảo công trình có 24 - 30 tầng. Khi điều chỉnh số tầng và chiều cao, cần điều chỉnh lại quy hoạch dân cư từ 700 lên 1.400 người sẽ thu hút được nhà đầu tư.
Việc tất yếu phải làmNêu ý kiến tại hội nghị, KTS Khương Văn Mười cho rằng việc cải tạo, chỉnh trang khu chợ Gà - Gạo là tất yếu phải làm. Bởi khu vực này gần công viên 23-9 - nơi phát triển hàng loạt các tuyến metro và không gian ngầm.
Không chỉ vậy, khu vực này còn ngay sát sông Sài Gòn, gần đường Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Lê Lợi, Võ Văn Kiệt là những khu vực định hướng phát triển thương mại dịch vụ của TP.HCM. Ông cho rằng rất hiếm có nơi nào nhiều lợi thế như vậy.
"Dĩ nhiên phải có những quy định, tiêu chuẩn nhưng ở những trường hợp đặc biệt phải có sự điều chỉnh quy định vì điều quan trọng là phải đảm bảo cuộc sống của người dân" - ông Mười bày tỏ.
Ông Dương Anh Đức hy vọng các nhà đầu tư cũng có sự quan tâm đến dự án với tinh thần cùng chung tay, đồng hành cùng TP.HCM chỉnh trang đô thị, quan tâm đến người dân đang có cuộc sống hết sức khó khăn.
"Đây là bài toán không dễ, bài toán đặc biệt cần những biện pháp đặc biệt để giải quyết. Nếu dự án chợ Gà - Gạo thành hiện thực, quận 1 và TP.HCM sẽ có bộ mặt mới sáng sủa hơn, người dân tại đây có đời sống tốt hơn và tương xứng với diện mạo của thành phố trong thế kỷ 21. Chúng ta thấy người dân vẫn sống trong hoàn cảnh như vậy thì rất nhiều người đau lòng", ông Đức nói.
Tất cả hiện là dự án, những gia đình như bà Thạch, bà Hoa còn phải chờ rất lâu nữa trong những căn nhà siêu nhỏ khó có thể tưởng tượng được giữa trung tâm Sài Gòn.
Không để người dân sống trong cảnh bất tiện thêm nữaTại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần 31, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng thực tế TP.HCM còn một số khu, cụm dân cư ở trung tâm, nhiều hộ gia đình đang sống trong hoàn cảnh bất tiện về nhiều mặt.
Ông cho rằng TP.HCM cần phải có giải pháp đặc biệt giải quyết một cách dứt khoát, không thể để người dân phải chịu đựng thêm nữa.
Ông yêu cầu UBND TP, các ngành trên từng địa bàn khảo sát, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, triển khai các giải pháp đặc biệt, không thể chấp nhận tồn tại này thêm thời gian nữa.
Mong mỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo
UBND quận 1 tổ chức buổi gặp mời gọi doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án chợ Gà - Gạo vào sáng 27-6 - Ảnh: THẢO LÊ
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho rằng việc triển khai dự án chợ Gà - Gạo không chỉ là mong mỏi của người dân mà cả nhiều thế hệ lãnh đạo của quận.
Ông cho biết UBND quận 1 sẽ thành lập tổ công tác để tham mưu các nhiệm vụ triển khai dự án, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù với TP.HCM nhằm thực hiện. Tổ này cũng sẽ tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật, dự toán theo đề xuất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.